Đã qua rồi thời mà phòng thu âm còn là một cái gì đó rất lạ lẫm, khiến mỗi lần có dịp bước chân vào đó là bạn thấy choáng ngợp trước “cảm giác chuyên nghiệp” với những thứ máy móc phức tạp và đủ loại vật liệu cách âm kỳ lạ như từ ngoài hành tinh rơi xuống vậy.
Hiện nay, nhu cầu thu âm đã trở nên rất phổ biến với mọi người (mà nhất là các bạn trẻ), nên việc thường xuyên lui tới các phòng thu không còn là điều hiếm xảy ra nữa. Mua nhạc nền để tham gia văn nghệ phong trào? Ghé phòng thu âm! Muốn cưa cẩm nhỏ bạn lớp bên bằng một bản tình ca mùi mẫn? Đến phòng thu âm! Hay lồng tiếng cho một đoạn phim ngắn mà cả nhóm hì hụi tự làm? Lại chui vào phòng thu âm!!
Khổ nỗi mỗi lần đến các dịch vụ này là cũng tốn kha khá tiền, ít thì cũng vài trăm, cao cấp hơn thì lên đến hàng triệu đồng. Vậy bạn đã từng nghĩ đến việc tự lắp đặt các thiết bị phòng thu âm tại nhà mình để được “thỏa chí tung hoành” hay chưa? Trong bài viết này, iSing sẽ giúp bạn có kiến thức cơ bản về một số thiết bị phòng thu âm tại nhà với chi phí thấp nhưng vẫn cho chất lượng rất tốt, thậm chí là không thua kém các dịch vụ chuyên nghiệp.
Các thiết bị phòng thu âm cơ bản bao gồm:
1) Máy tính có cài sẵn phần mềm thu âm và xử lý âm thanh.
2) Microphone (gọi dân dã là cái “mi-cà-rô” ấy ) và Pop Filter (màng lọc âm).
3) Audio Interface (có thể hiểu đơn giản nó là một cái Sound-card, nhưng có thêm các cổng giao tiếp tín hiệu âm thanh)
4) Loa Monitor.
5) Headphone Monitor.
6) Dây dẫn tín hiệu âm thanh.
7) Một số vật liệu tiêu âm và tán âm (để xử lý âm học phòng nghe, tránh những tình trạng thường gặp như âm thanh bị “um” gây tiếng bass lùng bùng, hoặc bị “dội lại” gây hú).
Thiết bị phòng thu âm có rất nhiều chủng loại, trong phạm vi bài viết khó có thể nói hết được nên HọcDựngPhim.com sẽ tóm tắt các chức năng chính để giúp bạn có cái nhìn tổng quát nhé.
1. Máy tính và Phần mềm thu âm – xử lý âm thanh :
Đương nhiên nếu có máy tính mạnh thì quá sướng rồi! Nhưng với mục tiêu “ngon bổ rẻ” thì lời khuyên là bạn có thể sử dụng 1 chiếc máy tính bàn PC hoặc Laptop có cấu hình là Core 2 Duo hoặc Core i3 trở lên là được. Ít nhất 4 GB Ram hoặc tốt hơn nên cố gắng lên 8 GB (vì khi chạy các Plug-in xử lý âm thanh sẽ ngốn khá nhiều Ram). Nên có 2 ổ cứng, 1 ổ để cài riêng hệ điều hành và phần mềm, ổ còn lại để chứa các file dữ liệu Project âm thanh của bạn (nếu sử dụng chung 1 ổ cứng thì tốc độ truy xuất không đáp ứng kịp sẽ rất dễ bị “treo máy”).
Một chiếc laptop cấu hình Core 2 Duo trở lên và tối thiểu 4 GB Ram là đủ để bạn thu âm khá ổn
Đa số phần mềm âm thanh không đòi hỏi cấu hình quá cao, nên có khá nhiều phần mềm bạn có thể sử dụng. Tuy nhiên HọcDựngPhim.com khuyên bạn nên chọn Nuendo hoặc Pro Tools, vì chúng được đánh giá là có chức năng toàn diện và chất lượng âm thanh tốt nhất hiện nay.
2. Microphone và Pop Filter :
Để có chất lượng âm thanh thu vào thật tốt, bạn nên mua loại Condenser Microphone vì nó có độ nhạy cao và khả năng “bắt lấy” âm thanh một cách chính xác. Loại micro này cần nguồn điện Phantom 48V để hoạt động. Một số model Condenser Microphone có chất lượng tốt ở tầm giá khoảng 5 triệu trở xuống như: Behringer B2-Pro, AKG Perception 220, AKG C3000B, Audio Technica AT3035, Rode NT1-A,…
Pop Filter là màng lọc chắn được đặt giữa Micro và miệng của người đang thu âm, nhằm hạn chế những tiếng “phập phù” hoặc “xì” do hơi gió tạo ra khi phát âm những chữ “s”, “p” và “b”, ngoài ra còn tránh được “mưa phùn” khi người hát đang mải mê phiêu theo điệu nhạc , và giữ cho micro không bị hơi ẩm làm rỉ sét hoặc hư hỏng. Có thể chọn mua Pop Filter của hãng Samson, MXL, Nady, Stedman,… với giá khoảng 500k đến 1 triệu đồng.
3. Audio Interface :
Đây là thiết bị đóng vai trò quan trọng làm cầu nối của cả hệ thống thiết bị phòng thu âm tại nhà lại với nhau (micro, nhạc cụ, loa, máy vi tính…). Có 3 chuẩn kết nối phổ biến giữa Audio Interface với máy tính là cổng USB, cổng Firewire 1394 và dạng card PCI. Cổng USB thì phổ biến và tương thích với mọi máy tính hiện nay, nhưng cổng Firewire thì lại cho tốc độ kết nối nhanh và ổn định hơn, và nếu dùng loại cổng Firewire thì bạn cũng đừng quên lựa chọn cấu hình máy vi tính có cổng này nhé (hoặc nếu không thì mua card chuyển từ PCI ra Firewire cũng được). Còn dạng card PCI thì tận dụng được sự ổn định và tốc độ truyền tín hiệu rất cao của chuẩn PCI-Express nhưng lại thiếu tính cơ động do phải gắn chặt vào mainboard. Và như đã nói ở trên thì Condenser Microphone cần nguồn điện Phantom 48V để hoạt động được, vì vậy bạn hãy chắc chắn là Audio Interface đó cũng có hỗ trợ cấp nguồn này nhé (hầu hết Audio Interface hiện nay đều có nguồn 48V).
Đừng bị “lừa tình” bởi những chiếc Audio Interface trông có vẻ hầm hố vì có thật nhiều nút, thật nhiều cổng In/Out. Hãy xác định xem mình cần thu khoảng bao nhiêu micro (nhu cầu thiết bị phòng thu âm tại nhà thường sẽ không nhiều hơn 2 micro), do đó nên chọn loại có 2 cổng Mic In / Line In là đủ. Luôn nhớ rằng với cùng 1 giá tiền thì chiếc Audio Interface nào ít cổng In/Out hơn thường sẽ có chất lượng linh kiện tốt hơn.
Một số model Audio Interface có chất lượng tốt dành cho “home studio” với mức giá khoảng từ 3 – 6 triệu, như: TC Desktop Konnekt 6, M-audio Fast Track Pro, Presonus Firebox, Focusrite Scarlett 2i2, Avid Mbox 3 Mini,…
4. Loa Monitor :
Đây chính là “đôi tai thứ 2” của bạn. Loa Monitor (Loa kiểm âm) khác với loa thường ở chỗ nó có nhiệm vụ tái tạo lại âm thanh một cách “trung thực nhất”, chứ không phải là “hay nhất”. Loại loa dân dụng thông thường sẽ được nhà sản xuất tìm cách “thêm mắm dặm muối” vào chất âm để cho ra phong cách âm thanh riêng của họ, tức là âm thanh phát ra từ loa đã bị biến đổi ít nhiều, và tùy thuộc gu thưởng thức mà người nghe sẽ cảm nhận nó ra sao. Còn đối với Loa Monitor, nó phát ra thứ âm thanh trung thực, “có sao kêu vậy”, và nhà sản xuất cố gắng giữ nguyên chất lượng âm thanh gốc. Nhờ vậy người xử lý âm thanh có thể biết chính xác bản thu âm của mình cần tinh chỉnh lại chỗ nào cho tốt nhất.
Để phù hợp với diện tích và các trang thiết bị phòng thu âm tại nhà, bạn nên chọn Loa Monitor có kích thước loa trầm (thường gọi là “củ loa bass”) khoảng 5 hoặc 6 inches cho phòng cỡ 15 – 20 mét vuông, và khoảng 8 inches cho phòng cỡ 30 mét vuông là đủ.
Một số model Loa Monitor có chất lượng rất tốt (có giá khoảng từ 6 – 9 triệu/ cặp loa) như: Yamaha HS 50M, Mackie MR6-mk3, Tannoy Reveal 601A, KRK Rokit 5 Gen 3, Presonus Eris E5, M-audio BX 5A (hoặc BX 8A), Tascam VL-A5, Alesis M1 Active…
5) Headphone Monitor :
Có đặc tính tương tự như Loa Monitor, sử dụng trong trường hợp cần cho ca sĩ (hoặc người đọc voice) nghe được phần nhạc nền hoặc nghe được chính âm thanh đang thu vào micro (giọng nói, tiếng động, nhạc cụ…) và cũng dành cho người kỹ thuật viên dùng để kiểm tra bản mix âm thanh.
Nếu bạn dùng Headphone này cho người đứng trước Micro thu âm, hãy chọn loại Closed Headphone Monitor (thường là dạng Full-size chụp kín vành tai và có độ cách âm rất tốt, tránh âm thanh lọt ra ngoài có thể đi vào Micro làm hỏng bản thu). Còn nếu dùng để mix, hãy chọn dạng Open Headphone Monitor vì loại này tái tạo tốt “không gian âm thanh” và có độ chi tiết tốt hơn.
Một số model phù hợp như: Sennheiser HD 280 Pro, Sony V6, BayerDynamic DTX 910, Audio Technica ATH-M30X…
6) Dây dẫn tín hiệu âm thanh :
Dây dẫn được ví như “làn đường cao tốc” mà các tín hiệu âm thanh sẽ đi qua, đường được làm bằng chất liệu nhựa tốt và bằng phẳng thì chạy băng băng, nhưng nếu đường xấu toàn ổ gà với đá dăm thì…!!! Do đó hãy luôn chọn dây dẫn và jack cắm chất lượng tốt để không làm suy hao và biến đổi tín hiệu, để tín hiệu đi qua một cách “trơn tru”. Đáng tiếc rằng lại có rất ít người thật sự hiểu và quan tâm việc này, có nhiều trường hợp tuy sử dụng các thiết bị rất cao cấp, nhưng vẫn cứ “vô tư” mua loại dây và jack cắm nhãn hiệu “hầm bà lằng” của Trung Hoa anh hùng về sử dụng. Đây là nguyên nhân tín hiệu bị xấu đi rất nhiều và hoàn toàn làm mất tác dụng của các thiết bị âm thanh đắt tiền kia, thậm chí còn xảy ra tình trạng nhiễu “xì xoẹt” trong bản thu, nghe rất kinh khủng.
Tốt nhất là mua loại dây – jack tín hiệu đã làm sẵn của các hãng uy tín như Monster Cable, Mogami, Pro Co,… hoặc mua đầu jack Neutrik và các loại dây tín hiệu loại tốt rồi nhờ kỹ thuật viên hàn dây jack với nhau cho đúng kỹ thuật. (Lưu ý hiện giờ dây – jack trên thị trường bị làm giả khá nhiều, hoặc loại kém chất lượng nhưng được quảng cáo không đúng sự thật, vì vậy nên đến những cửa hàng lớn và uy tín để mua). Ngoài ra cũng nên tính toán chiều dài dây dẫn tín hiệu vừa đủ, không nên dùng quá dài hơn nhu cầu, vì chất lượng tín hiệu sẽ bị suy giảm dần theo độ dài của dây.
7. Vật liệu tiêu âm và tán âm :
Về vấn đề trang âm cho phòng thu thì có rất nhiều kiến thức nên HọcDựngPhim.com xin hướng dẫn chi tiết hơn ở một bài viết khác. Tóm tắt ở đây cho bạn dễ hiểu thì “tiêu âm” là hấp thụ bớt âm thanh và “tán âm” là khuếch tán âm thanh ra nhiều phía khác nhau. Nếu phòng thu của bạn bao quanh bởi những bức tường trống trơn thì rất dễ xảy ra hiện tượng như tiếng bị “um” nghe lùng bùng, hoặc bị vang nghe “ong ong”, hoặc tệ hơn nữa là bị feed back gây “tiếng hú”. Nếu bị như vậy thì sẽ khó mà thu âm tốt được, nên cần dùng một số vật liệu tiêu âm và tán âm để “điều tiết” âm thanh.
Những chỗ bị “um” hoặc “ong ong” thì một trong những cách “trị” đơn giản nhất là có thể đặt vào đó tấm mút trứng gà (một loại mút mềm màu đen hoặc vàng, có những gợn sóng lồi lõm như khay đựng trứng gà hoặc có hình khối tam giác, được bán ở khu vực đường Nguyễn Chí Thanh – Quận 5, kích thước khoảng 1m x 2m, dày 3 cm hoặc 5 cm, giá khoảng 180k đến 250k/miếng). Nhưng nếu dán mút trứng gà khắp phòng thì sẽ gây tình trạng âm thanh bị “bí” nghe mất tự nhiên và thiếu sức sống, nên sẽ cần dùng một vài tấm vật liệu cứng (như ván gỗ cứng có bề mặt láng, tấm mút xốp loại cứng…) để đặt xen kẽ vào để có một độ phản xạ âm thanh nhất định.
Nhìn chung, bạn trang âm cho phòng thu tại nhà như thế nào mà nghe thấy âm thanh vẫn tự nhiên, không có cảm giác âm thanh bị chồng chéo, không bị vang vọng hay “um” là ổn. Ngoài ra, nếu tham gia 1 khóa học ngắn hạn về thu âm và xử lý âm thanh cũng sẽ giúp bạn có thêm kỹ năng đánh giá chất lượng âm thanh, thiết bị thu âm và tha hồ “nghịch” âm thanh theo ý muốn của mình.
Hy vọng là bạn đã tự tin hơn để có thể tự chọn lựa những trang thiết bị phòng thu âm tại nhà của mình rồi.